Tháng Bảy, 2019
“Ninh Bình non nước quê mình
Khi đi thì đã, khi về thì phê”
_Trích tuyển tập thơ con nhái của Phúc_
Ngồi xuống đây để mình khoe với các bạn nghe vài câu chuyện phù phiếm kèm theo mấy bức hình tuy bình thường nhưng lại ngập tràn màu sắc về xứ Ninh Bình non xanh nước biếc với các danh lam thắng cảnh chuẩn chỉnh để… sống ảo, ý mình là để thưởng ngoạn và trải nghiệm. Và nếu lỡ may bài viết của mình truyền cảm hứng cho bạn thì… mình không chịu trách nhiệm đâu hihi.
Cảnh đẹp đặc trưng nhất của xứ Ninh Bình có lẽ là các dãy núi đá vôi soi mình trên mặt sông, các thể loại hang động, những đồng lúa ven sông, và nhất là các dấu tích của một nền văn hoá lâu đời. Đến Ninh Bình, ngoài việc ngồi im trên thuyền và thưởng ngoạn danh thắng Tràng An, khu du lịch Tam Cốc thì theo mình cần phải chuẩn bị là một đôi giày thật tốt, vì nếu không cuốc bộ vài vòng, leo trèo các kiểu thì mình không thể có những trải nghiệm trọn vẹn ở các địa điểm như quần thể chùa Bái Đính, leo trèo sống ảo trên Núi Múa, thăm Thần Chò ngàn năm trong VQG Cúc Phương.
Chuyến đi lần này có sự góp mặt của Thịnh ka, nam thanh niên sở hữu quả điện thoại bị dư dung lượng để chứa một list hình dài vô tận trong chuyến này và mình thề là trên cái cuộc đời hai mươi mấy năm sống vật vã của mình, mình chưa gặp ai nói nhảm khủng như nam thanh niên này :)))))
Mình gặp Thịnh ka ngoài Hà Nội sau khi mình bay từ Sài Gòn ra còn ổng thì đú đởn ở đâu đó rồi ghé về, ngủ một đêm ở Hà Nội, sáng hôm sau quất hẳn limosine Bình Minh, ngồi xe 2 tiếng xuống Ninh Bình ăn chơi đập phá. Trên đường đi là câu chuyện mà mình và Thịnh ka thảo luận, tối nay ngủ đâu. Mình thì kiểu quen đi chơi hành xác, trải nghiệm thì phải tối đa nhưng chi phí phải tối thiểu, nhưng lại nghĩ, Thịnh ka, nghe đâu ổng vừa đi tận Brazil về, nơi cách VN cả nửa vòng trái đất, nên mình đoán là ổng chẳng có gì ngoài tiền, mà khi đã có tiền thì việc gì phải ăn bờ ngủ bụi! Ngược lại, về phía Thịnh ka, ổng lại lại nghĩ mình là dân du lịch, năm nào cũng đi, mà đã đi là phải ăn ở sang choảnh, thoải mái, nên cuối cùng hai bên thống nhất quất hẳn một cái bungalow sang choảnh ở Central Homestay, nằm ngay trung tâm ăn chơi xứ Ninh Bình, cho 2 đêm ở đây. Kết thúc chuyến đi, sau khi ói xong tiền phòng, xót đến tận cùng của đường ruột non, thì 2 bên mới phát hiện ra đối phương đều có vài điểm chung giống mình: nghèo kiết xác nhưng lại ảo tưởng về nhau, và sẵn sàng ngủ dorm, ăn mì gói để tiết kiệm chi phí.
Chuyến chu du Ninh Bình đợt này của Phúc nằm trong chuỗi ăn chơi của một đứa vô công rồi nghề qua các tỉnh phía đông của miền Bắc Việt Nam, chuyến đi 4 ngày này ngốn hết của Phúc tầm hơn 3 củ khoai. Các địa điểm Phúc ghé qua, nếu chia ra thì có thể xếp vào 2 nhóm: combo sông núi hữu tình, nằm gần nhau gồm, nếu đi theo một vòng tròn thì đầu tiên là Di sản Tràng An, kế đến là Hang Múa, Bến thuyền đi Tam Cốc, chùa Bích Động, và cuối cùng là chùa Bái Đính. Nhóm còn lại thì chỉ còn mỗi Vườn Quốc Gia Cúc Phương, giáp ranh với Thanh Hoá, nằm cách Tràng An khoảng 50km đường bộ.
Theo lời thiên hạ đồn đại các kiểu thì đến Ninh Bình và rộng hơn là Việt Nam, bạn chắc chắn phải ghé Tràng An một lần! Nhưng theo trải nghiệm thực tế của mình thì sự thật… đúng là như thế (haha). Đến Tràng An đầu tiên là phải… mua vé, 250k/người, cho một vòng chèo thuyền tầm 3-4 tiếng đồng hồ xuôi dòng để qua nhiều thể loại hang động, núi đá vôi, đồng ruộng, đền chùa, địa điểm quay phim Kong và tất nhiên là luôn thấp thoáng những địa điểm chuẩn chỉnh để sống ảo rồi.
Có tổng cộng 3 tuyến đường khác nhau để tham quan hết toàn bộ khu di sản, mỗi vé chỉ được chọn 1 trong 3 tuyến để tham quan, một thuyền nhỏ có thể chở được từ 3-5 người do một cô chú người dân địa phương chèo tay.
Mình di chuyển theo hành trình của tuyến 1 qua 9 hang động, 3 địa điểm tâm linh là Đền Trình, Phủ Khống và Đền Trần. Để tham 3 địa điểm này, phải vác mặt lên bờ, leo trèo khám phá một chút, thời gian còn lại thì chỉ việc ngồi thuyền vãn cảnh.
Nếu so sánh với Tràng An thì cảnh đẹp của Tam Cốc cũng tương tự (thực chất hồi trước hai khu này được thông với nhau, nhưng sau này được ngăn lại thành 2 khu riêng biệt), hành trình đi thuyền ở Tam Cốc ngắn hơn, nhỏ hơn, lòng sông cũng nông hơn nên nước đục hơn, không có rong nên không ảo diệu bằng Tràng An. Tuy vậy, dịch vụ và cảnh quan Tam Cốc dân dã và mang tính địa phương hơn với cảnh sinh hoạt của người dân địa phương hai bên bờ, đám trẻ con nô đùa trên sông và có một số cô dì chèo thuyền bán hàng rong cho khách du lịch.
Tam Cốc nghĩa là ba hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Mỗi lượt đi thuyền sẽ xuôi theo sông Ngô Đồng uốn lượn được bao bọc bởi cách vách núi đá vôi dựng đứng (có cả dê núi trên đó nữa), hai bên sông thi thoảng xuất hiện những cánh đồng lúa, vài nhà dân, thuyền sẽ lần lượt chui qua 3 hang này trên đường đi và đường về.
Trên đường về, nhận được sự gợi ý của bác lái thuyền, mình cùng Thịnh ka nhảy lên bờ ở khúc gần cuối để cuốc bộ qua Đền Thái Vi, rồi thêm một đoạn nhỏ trên con đường quê thơm ngát hương lúa để ra lại bên thuyền.
Nhân tiện thì đừng nghe thiên hạ đồn qua cái tên Tam Cốc – Bích Động là tin ngay chỉ cần vác xác đến một địa điểm là có thể tham quan được cả 2 nhé. Đúng là 2 địa danh này ở gần nhau nhưng để đi vào chùa Bích Động thì chỉ cần gửi xe ở cổng chùa, ngay bên đường lớn, còn để đến được Tam Cốc thì cần phải ra tận bến thuyền Văn Lâm cách đó khá xa.
Đến Núi Múa, bạn cần chuẩn bị một thể loại tinh thần leo trèo không biết mệt mỏi để có thể bay nhảy trên những bậc cầu thang đá uốn mình quanh núi để đi từ đỉnh này sang đỉnh khác. Đứng trên đỉnh Núi Múa có thể quan sát con sông Ngô Đồng uốn lượn giữa những cánh đồng lúa xanh ngát, những dãy núi đá vôi hùng vĩ, từng đợt thuyền tham quan Tam Cốc và cả một đống người đứng chụp hình sống ảo nữa.
Chùa Bái Đính là một trong những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với khuôn viên rộng hơn 1700ha, nên đến chùa Bái Đính cũng cần chuẩn bị một tinh thần lội bộ không biết mệt mỏi để có thể đi hết hành lang La Hán, tham quan các Điện thờ, tháp chuông, bảo tháp, chùa Bái Đính cổ…
Mình may mắn khi lịch trình vừa khéo đến chùa Bái Đính lúc chiều muộn, tuy chỉ được xe điện chở vào cổng Tam Quan cách khu gửi xe máy tầm 4km, chiều ra phải tự cuốc bộ ra bằng đường mòn, nhưng đổi lại mình được tận hưởng bầu không khí yên bình, tĩnh mịch, không ồn ào cũng như được ngắm nhìn những tòa Điện, tòa tháp sáng đèn khi trời tối dần.
Chùa Bích Động tọa lạc dọc theo sườn núi Bích Động nằm trong quần thể du lịch Tam Cốc – Bích Động. Lối vào chùa Bích Động là một cây cầu bằng đá lâu đời, bắc qua ao sen xanh ngát. Chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ “Tam”, gồm 3 ngôi chùa riêng biệt nằm dọc theo sườn núi từ thấp lên cao: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho cảnh chùa cổ kính hoà lẫn với cảnh trí thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa yên bình.
Với một kẻ (tự nhận vơ) là nghiện không khí rừng nhưng lại khá lười biếng để ăn nằm gian khổ vài ngày trong rừng như mình thì Cúc Phương có thể thỏa mãn được cái sở thích quái dị của mình khi có một con đường bê tông nhỏ xuyên rừng để lái xe vào trạm trung tâm rừng và có cả vài cái khách sạn, bungalow nằm rải rác trong rừng nữa. Đến VQG Cúc Phương, nếu thong thả thì có thể ở đây 2 ngày, tối ngủ bungalow bên hồ, sáng đạp xe đi dạo trong rừng, nhớ ghé thăm Hang Người Xưa và các cây cổ thụ trong rừng, chiều thì tắm hồ, trekking, picnic. Còn nếu cuộc đời có xô bô vội vã, thì ghé thăm nơi đây trong ngày cũng chẳng có gì là khó khăn, vì có thể vác hẳn xe máy chạy dọc theo con đường bê tông xuyên rừng (nhớ ghé thăm mấy địa điểm trên đường đi), đích đến là trung tâm rừng, sau đó thì gửi xe, trekking trên con đường mòn nhỏ, khoảng 6km, để thăm Thần Chò ngàn năm.
Đi Cúc Phương mùa này rất dễ bị ngập mặt bởi những cơn mưa rừng, rất vu vơ, tự nhiên đến cũng tự nhiên đi. Tất nhiên là, ông Giời chắc chắn không chừa mình ra rồi, dù bị cơn mưa phục kích bất ngờ, nhưng đó cũng là lúc mình vừa rờ tới được đồn biên phòng, nên cái trải nghiệm vừa nằm võng phè phỡn, vừa ngắm mưa, rồi ngủ một giấc, tưởng như không gì trên đời có thể sánh bằng. Bầu không khí trong lành ‘nguyên chất’ của rừng kèm với tiết trời lành lạnh, cộng thêm tiếng mưa rả rích khiến cho người ta cảm thấy bình yên, xua tan bao nhiêu lo âu, muộn phiền.
“Du lịch là đi từ nơi mình chán sống đến nơi người khác chán sống” _ Anh kiểm lâm said
Mỗi lần đến đoạn kết bài, Phúc luôn khủng hoảng, vì chẳng biết viết gì cả, nếu mà cứ cố nặn ra thì chẳng bao giờ được cái gì tử tế cả, lần này cũng không ngoại lệ, nhưng nếu không có kết bài thì trông cái blog này đã dởm, lại càng dởm hơn, cho nên…
Nên túm cái váy lại là chuyến đi Ninh Bình này chỉ là khởi đầu cho chuỗi ngày ăn chơi, rong ruổi các tỉnh đông bắc bộ của 2 thanh niên ham chơi. Gạch đầu dòng thứ nhất, chuyến đi khá là thú vị qua một địa danh được mệnh danh là non xanh nước biếc nổi tiếng của Việt Nam. Gạch đầu dòng thứ hai, trải nghiệm nơi đây cũng không tồi, không đến mức phải chết đi sống lại nhưng lại không có nhiều thứ đặc biệt để nhớ mãi (ý kiến cá nhân của mình thôi nhé). Và cuối cùng, gạch đầu dòng thứ ba là nên trải nghiệm Ninh Bình một lần trong đời nhé.